Khi sử dụng công cụ TEXT trong Photoshop hay Illustrator, có bao giờ bạn đếm thử có bao nhiêu loại font chữ thiết kế trong đó chưa? Bạn đã sử dụng bao nhiêu font chữ cho các thiết kế của mình? Vậy bạn có biết đâu là 6 loại font chữ thiết kế phổ biến nhất hiện nay? Và đâu là ứng dụng của từng loại font trong thiết kế?
Tầm quan trọng của font chữ thiết kế
Ta có câu “Đuổi hình bắt chữ”, bên cạnh hình ảnh thì chữ viết đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải những thông điệp đến người xem một cách trực quan nhất. Nếu bạn chỉ là tay mơ, hay sử dụng các thiết kế của mình chỉ cho vui, không có mục đích thương mại thì đơn giản thôi, sử dụng font chữ thiết kế nào vừa mắt bạn là được. Chỉ cần nhấp chuột hoặc sử dụng phím lên xuống cho tới khi đúng font mình mong muốn.
Còn nếu bạn nghiêm túc với ngành thiết kế, bạn muốn trở thành Graphic Designer và muốn các thiết kế của bạn có thể kiếm được tiền thì bạn cần biết nên đặt loại font nào vào dự án thiết kế của mình. Việc chọn đúng font chữ giống như việc chọn đúng phong cách thiết kế nội thất cho ngôi nhà của bạn vậy đó.
Trong cuộc sống hiện đại, bạn muốn mang tới hơi thở của sự cổ điển, chắc chắn rằng bạn sẽ theo đuổi phong cách thiết kế Retro “Hoài cổ, thời đại” chứ không phải là sự trắng buốt của Scandinavian xứ lạnh Bắc Âu.
Không dài dòng nữa, mời bạn đặt chân vào nấc thang đầu tiên của thế giới các con chữ.
1. Font chữ thiết kế – Serif
Máy tính bạn có Microsoft Word chứ? Font mặc định khi sử Word là Times New Roman, và đó là 1 dạng font Serif đấy. Là loại font chữ cổ điển, bắt nguồn từ những người La Mã cổ đại với việc thêm một nét vào phần đầu và phần cuối của nét chính chữ cái.
Bạn có thể thấy nhan nhản loại font chữ thiết kế này ở các tiêu đề ngắn, hay những chữ cái đầu tiên trong đoạn văn. Do đó các công ty thường sử dụng font này để khắc họa sự thanh lịch, tinh tế, hiển thị được độ tin cậy và tôn trọng với khách hàng.
Các thương hiệu sử dụng font Serif: Zara, Tiffany & Co, Abercrombie & Fitch
2. Font chữ thiết kế – Slab Serif
Slab Serif là font chữ bà con họ hàng với Serif với các nét to và đậm, dùng để gây ấn tượng mạnh. Trong những năm tháng của thế kỷ 19, đây là loại font chữ được sử dụng hầu hết ở các bảng quảng cáo, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi ngoài trời bởi chúng mang lại cảm giác tự tin, đáng tin cậy nhưng đầy sáng tạo bởi các đường nét “nặng nề” ấy.
Ngoài ra font Slab Serif luôn mang lại một cảm giác gì đó rất “Vintage” cổ điển. Nếu bạn yêu thích các chữ cái xuất ra từ máy đánh chữ ngày xưa, thì bạn sẽ thích font Slab Serif thôi.
Các thương hiệu sử dụng font Slab Serif: Sony, Honda, Volvo
3. Font chữ thiết kế – San Serif
San Serif trong tiếng Latin có nghĩa là “without Serif”. Có thể hiểu rằng font San Serif là biến thể của font Serif phiên bản “không có chân”. Được hình thành bởi các nét thẳng, đơn giản và rõ ràng, San Serif font nhấn mạnh vào tính dễ nhìn, dễ đọc.
So với người tiền nhiệm Serif, thì San Serif mang hơi hướng hiện đại hơn, gọn gàng hơn và vẫn được dùng tốt ở các câu tiêu đề, các ấn phẩm truyền thông, bộ nhận diện thương hiệu,…. Từ giữa thế kỷ 20 trở đi, các font chữ San Serif ra đời rất nhiều, và có những font cho tới thời điểm bây giờ, khi thiết kế người ta sẽ ưu tiên hàng đầu như Helvetica, Futura.
Các thương hiệu sử dụng font San Serif: LinkedIn, Calvin Klein, Facebook, Netflix, Google, Spotify
4. Font chữ thiết kế –Script
Là loại font chữ mà các ký tự có hình dạng dựa theo các kiểu chữ viết tay có nhiều nét hoa mỹ, các nét thường nối liền nhau và dáng ký tự thường nhìn hơi nghiêng. Tôi khuyên bạn nên thật hạn chế và cân nhắc khi sử dụng loại font chữ này bởi các nét uốn lượn và tỷ lệ không đồng đều có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đọc và làm chúng ta không hiểu đúng ý nghĩa từ ngữ.
Font chữ Script gợi lên những ý tưởng về sự thanh lịch, sáng tạo, tự do và hơi nữ tính. Các công ty muốn truyền tải một cảm xúc cụ thể có thể sử dụng phông chữ Script để có hiệu quả tuyệt vời. Tương tự đối với những người cố gắng truyền tải cảm giác về ý nghĩ độc đáo và nghệ thuật. Đây là loại font chữ thiết kế được đặc biệt ưa thích ở trong các đám cưới đấy nhé.
Các thương hiệu sử dụng font Script: Coca-cola, Instagram, Cadillac, Ford
5. Font viết tay Handwritten
Như tên gọi, đây là loại font có đường nét tương tự như bạn cầm bút và viết vậy. Thông thường dạng font chữ viết tay này “na ná” dạng Script nhưng được cách điệu để nhìn đơn giản hơn và được sử dụng rộng rãi hơn.
Do cũng có những nét uốn lượn, nét to nét nhỏ nên font chữ mang lại sự sáng tạo, điểm nhấn cho thiết kế của bạn. Bạn có thể dễ dàng đặt chúng vào các trang bìa của quyển sách, các tờ áp phích. Bất cập ở đây là các Brand lớn khá là kén bởi font Handwritten này khá là “bay nhảy sáng tạo”, thế nên nó chỉ phù hợp cho logo các shop nhỏ, thương hiệu mới thôi
6. Font Display / Decorative
Sẽ không có dấu hiệu cụ thể nào chỉ cho cho bạn biết đâu là font chữ trang trí hay font chữ hiển thị cả. Thông thường những font chữ dạng này được thiết kế với hình dạng, kích thước, tỷ lệ sao cho phù hợp với mỗi ngành nghề hay từng loại nhu cầu riêng.
Font Display / Decorative rất hiếm khi xuất hiện ở các dạng văn bản, thay vào đó sẽ lý tưởng hơn nếu bạn biến chúng thành tên gọi của thương hiệu. Dạng font này chỉ nên sử dụng 1 số lượng nhỏ khi đưa vào thiết kế.
Một điều lưu ý là yếu tố xu hướng (trendy) cũng ảnh hưởng nhiều tới dạng font display / decorative này, thế nên hãy luôn nhạy cảm và nắm bắt tốt xu hướng thị trường nhé.
Một số thương hiệu sử dụng tốt loại Font này có thể kể đến như: Fanta, Lego, Toys R’us, Disney,…
KẾT LUẬN
Vậy là Ad vừa liệt kê ra 6 loại font thiết kế phổ biến hiện nay. Đó giờ các thiết kế của bạn đã sử dụng những loại font gì rồi nè? Có đúng với mục đích sử dụng của loại font đó không hay xài lung tung hết cả rồi. Nhớ nhé, đối với các thương hiệu, font chữ là một phần thể hiện bản sắc của thương hiệu đó, giúp người làm Branding được giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp.
Đối với các Designer lâu năm, đã kinh qua nhiều dự án thiết kế, họ sẽ có riêng cho mình 1 bộ sưu tập các loại font hay sử dụng. Nếu bạn chưa có, hãy nghiên cứu vào làm 1 cái cho riêng mình đi nào.
One thought on “6 loại font chữ thiết kế phổ biến nhất Designer cần biết”