Design System là gì? Tại sao cần có Design System?

Khi mới bắt đầu tìm hiểu về thiết kế UI/UX, bạn thường thấy thuật ngữ Design System được nhắc đến. Vậy Design System là gì? Chúng có lợi ích gì mà mọi người lại quan tâm đến việc sử dụng Design System?

Các bạn cùng xem chi tiết qua bài viết dưới đây nhé.

Design System là gì? Lợi ích của Design System?

Design System là hệ thống các quy chuẩn dùng để quản lý công việc thiết kế theo quy mô lớn bằng cách tái sử dụng các thành phần và mẫu thiết kế đã được tạo sẵn.

Chúng ta có thể xem Design System chính là một sản phẩm để phục vụ cho việc phát triển các sản phẩm khác.

Các bạn có thể hình dung câu trả lời “Design System là gì?” bằng trò chơi xếp hình Lego. Để tạo nên một mô hình hoàn chỉnh, chúng ta sẽ kết hợp từng viên gạch, mảnh ghép có sẵn lại với nhau. Xây dựng Design System chính là việc chúng ta thiết kế ra từng viên gạch, mảnh ghép Lego có thể tái sử dụng được để tạo nên các mô hình khác nhau.

Các Design System của các hãng công nghệ nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Material Design của Google; Carbon của IBM; Fluent của Microsoft; Polaris của Shopify; Spectrum của Adobe; Ant Design…

Design System mang lại những lợi ích gì? Các bạn xem chi tiết ở các hình minh họa tiếp theo nhé.

Nếu bạn muốn tạo ra các thành phần trong Design System thì có tham gia khóa học Figma UI Design này nhé: https://bit.ly/2W7UyCd

>> Xem thêm “6 tính năng ưu việt của Figma mà bạn cần biết” (opens in a new tab)”>>>> Xem thêm “6 tính năng ưu việt của Figma mà bạn cần biết”

1. Tạo ra thiết kế nhanh chóng trên quy mô lớn

Trong quá trình xây dựng sản phẩm, chúng ta sẽ cần đưa ra nhiều phương án thiết kế khác nhau, phát triển tiếp từ những phương án thiết kế đã có.

Design System giúp Designer tạo ra và nhân rộng các bản thiết kế nhanh chóng bằng cách tái sử dụng các UI component và thành phần thiết kế đã được tạo sẵn. Giảm thiểu nhu cầu tạo lại những cái đã có, nhờ đó giảm bớt sự không thống nhất trong thiết kế có thể gây ra nhiều rủi ro ngoài ý muốn.

2. Tập trung vào các vấn đề lớn và phức tạp hơn

Khi các thành phần cơ bản đã được tạo sẵn và có thể tái sử dụng, designer sẽ giảm bớt được áp lực công việc vì không còn phải bận tâm nhiều về kiểu dáng, hình thức của các thành phần này nữa. Nhờ vậy designer có thể tập trung giải quyết các vấn đề lớn và phức tạp hơn. Ví dụ như phân cấp thông tin, tối ưu luồng hoạt động của người dùng.

Nếu bạn chỉ vừa thiết kế một vài màn hình thì có thể bạn sẽ chưa thấy hiệu quả rõ rệt. Nhưng khi bạn phải làm việc với nhiều nhóm khác nhau và tạo ra cả ngàn màn hình thì bạn sẽ thấy rõ hiệu quả của Design System.

3. Tạo nên cách diễn đạt thống nhất trong giao tiếp

Design System tạo nên cách diễn đạt thống nhất giúp tránh lãng phí thời giancông sức do những hiểu nhầm trong giao tiếp gây ra. Đặc biệt là khi có sự thay đổi về nhân sự trong nhóm thiết kế hoặc khi các nhóm phải làm việc từ xa, không ở cùng một chỗ với nhau.

Ví dụ, mọi người sẽ không cần phải tốn thời gian tranh cãi về chức năng hay hình thức của một component cụ thể nữa, vì nó đã được thống nhất về định nghĩa trong Design System.

Hoặc giả sử, bỗng một ngày, các thành viên chủ chốt trong nhóm thiết kế vì lý do nào đó không thể tiếp tục công việc hiện tại được nữa, nhưng dự án của công ty thì vẫn phải tiếp tục chạy. Lúc này, nhờ mọi thứ đã được định nghĩa thống nhất trong Design System, các thành viên còn lại có thể dựa theo đó để tiếp tục công việc đang dang dở.

4. Tạo nên tính nhất quán giữa các sản phẩm

Tạo nên tính nhất quán giữa các sản phẩm.

Khi các nhóm thiết kế làm việc trong các dự án riêng biệt, sản phẩm của nhóm này thường được phát triển độc lập với sản phẩm của nhóm khác. Nếu như không có một Design System chung cho các nhóm có thể sẽ khiến cho người dùng cảm thấy giao diện và trải nghiệm của các sản phẩm không nhất quán, có sự chắp vá. Người dùng sẽ dễ có cảm giác các sản phẩm không do cùng một thương hiệu làm ra, không cùng một hệ thống với nhau.

Design System sẽ cung cấp một nguồn chung duy nhất cho các component, pattern và style, giúp tránh được sự thiếu nhất quán trong giao diện và trải nghiệm của sản phẩm.

5. Trở thành công cụ và tài liệu tập huấn cho người mới

Trở thành công cụ và tài liệu tập huấn

Các tài liệu hướng dẫn của Design System nếu được biên soạn rõ ràng và chi tiết, sẽ giúp cho những nhân viên hay cộng tác viên mới dễ dàng làm quen với công việc. Đồng thời, các tài liệu hướng dẫn này cũng là nguồn tham khảo thường xuyên cho các nhân viên khác.

Trở ngại trong việc áp dụng Design System

Những trở ngại trong việc áp dụng Design System là gì?

Design System luôn cần cập nhật, phát triển liên tục dựa theo phản hồi từ những người sử dụng nó. Vậy nên tạo ra và duy trì Design System đòi hỏi nhiều thời gian và cần một đội ngũ chuyên biệt để làm việc này.

Đối với bất cứ Design System nào, cho dù là chúng ta áp dụng theo một Design System đã có sẵn thì cũng cần phải có sự hướng dẫn sử dụng cụ thể. Nếu không sẽ xảy ra sự thiếu nhất quán và không chính xác khi áp dụng trên các giao diện và giữa các nhóm khác nhau.

Vậy nên cần phải mất một khoảng thời gian để có thể dạy cho những người khác trong dự án biết cách sử dụng Design System.

Sẽ có những dự án mà khách hàng nói rằng không cần phải cập nhật, thay đổi về lâu dài, chỉ tạo ra một lần là xong. Đối với những dự án này thường sẽ không yêu cầu tạo ra các thành phần thiết kế có thể tái sử dụng và dó đó chúng ta cũng không thể áp dụng Design System.

Nội dung được chia sẻ bởi anh Lê Minh Quang, UI Lecturer at #Keyframe (https://bit.ly/2W7UyCd)

Illustration by Keyframe Team.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *