Đánh vần A Bờ Cờ trong ngôn ngữ nhiếp ảnh

Ngôn ngữ nhiếp ảnh vô cùng phong phú, đa dạng. Để nắm được hết thật sự khá tốn thời gian và không dễ chút nào. Vậy hãy cùng tìm hiểu nhanh các ngôn ngữ nhiếp ảnh cơ bản theo bộ chữ cái ABC cùng hocdohoa nhé.

A – Aperture

Aperture – “Độ mở khẩu độ”, là yếu tố quyết định lượng ánh sáng đi vào bên trong máy ảnh, thường được thể hiện dưới dạng F-number. “Độ mở khẩu độ” của ống kính càng lớn thì lượng ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều, và ngược lại.

Trong máy ảnh dân dụng, cấu tạo các lá thép xếp chồng lên nhau (bên trong ống kính hoặc bên trong thân máy ảnh) cho phép người sử dụng có thể thay đổi “Độ mở khẩu độ” thông qua các cấp của F-number (được ký hiệu là F-Stop). Ngoài ra, “Độ mở khẩu độ” hỗ trợ kiểm soát độ sâu trường ảnh (DoF), mức độ nhòe của hậu cảnh.

B – Bokeh

Bokeh hay còn có tên là “Bokeru”, xuất phát từ một từ tiếng Nhật có nghĩa là nhoè. Bokeh mô tả hiện tượng, hay “cảm giác”, về vùng bị nhòe mờ (out of focus).

C – Composition

Ngôn ngữ nhiếp ảnh và ngono ngữ quay phim có nhiều nét tương đồng

Trong ngôn ngữ nhiếp ảnh, chúng ta gọi Composition là “bố cục”. Việc người chụp sắp xếp các yếu tố như màu sắc, ánh sáng, chủ thể,.. xuất hiện trong một khung ảnh theo các quy luật khác nhau tạo ra bức ảnh đạt được mục đích về thị giác.

Vì bản chất nhiếp ảnh khác với hội họa, nên khái niệm “bố cục” trong nhiếp ảnh mang tính tương đối và trừu tượng hơn.

D – Depth of Field

Depth of Field (DoF) hay còn gọi là “độ sâu trường ảnh” chính là thông số thể hiện khoảng ảnh rõ nét trong thực tế tương quan với hình ảnh được tạo ra trên ảnh chụp. DoF bị chi phối bởi Độ mở khẩu độ, Tiêu cự ống kính và khoảng cách từ máy ảnh tới chủ thể. DoF là một trong những khái niệm dễ hiểu và áp dụng, nhưng cực kỳ khó để xác định rõ ràng trong nhiếp ảnh, tuỳ theo mục đích diễn tả nội dung hình ảnh mà bạn có setting cho riêng mình.

E – Exposure

Exposure Value là một trong 3 đại lượng đặc trưng trong ngôn ngữ nhiếp ảnh

Exposure Value (EV) – “Giá trị phơi sáng” là thông số thể hiện lượng ánh sáng mà cảm biến máy ảnh nhận được tương quan với 1 tấm ảnh trong 1 lần chụp. Lượng ánh sáng này nhiều hay ít phụ thuộc vào các thông số như Độ mở khẩu độ, tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO. Ta có thể xác định bức ảnh có đủ ánh sáng hay không dựa giá trị Exposure Value (EV), khi ở mốc 0 là bức ảnh đủ sáng.

F – Focal Length

Focal Length – Độ dài tiêu cự hoặc gọi tắt là tiêu cự ống kính, là khoảng cách từ tâm ống kính tới bề mặt cảm biến khi ống kính lấy nét ở vô cực. Tiêu cự ống kính càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn.(câu này chThông thường người ta dựa vào độ dài tiêu cự để phân biệt ống kính góc rộng và ống kính chụp xa góc hẹp.

G – Golden Hour

Golden Hour là ngôn ngữ nhiếp ảnh khá phổ biến mà các nhiếp ảnh gia nói về thời khắc đẹp nhất để chụp ảnh

Golden Hour trong ngôn ngữ nhiếp ảnh chỉ khoảng thời gian đẹp để chụp ảnh. Khoảng thời gian này chỉ kéo dài khoảng 1 đến 2 tiếng, từ 5h đến 7h sáng và 16h đến 18h chiều.

H – Histogram

Histogram là ngôn ngữ nhiếp ảnh thông dụng để chỉ dạng biểu đồ (đồ thị) thể hiện độ sáng của bức ảnh (Histogram xám) và màu sắc (Histogram màu). Biểu đồ có thể xem ngay trên màn hình LCD dưới dạng một phần dữ liệu chụp.

I – ISO

ISO là một trong 3 đại lượng đặc trưng trong ngôn ngữ nhiếp ảnh

Ở trên mình hay nhắc tới từ cảm biến máy ảnh, thì ISO để chỉ độ nhạy sáng của cảm biến đó và đây là thông số bạn có thể thiết lập trên máy ảnh. Trong nhiều tình huống ánh sáng yếu thì ta có thể đẩy ISO lên cao để có cứu được bức hình tuy nhiên hãy nhớ rằng, lượng nhiễu hạt (noise) cũng sẽ tăng khi ISO tăng.

J – JPEG

JPEG là một trong những định dạng hình ảnh phổ biến, thông dụng nhất hiện nay. Khi chụp ảnh bạn có thể tuỳ chọn định dạng loại ảnh, nếu muốn ăn ngay lấy liền thì set JPEG, còn muốn chỉnh sửa, hậu kỳ thì xài định dạng RAW.

K – Kelvin

Kelvin trong nhiếp ảnh là đơn vị đo nhiệt độ màu của ánh sáng (không phải đo nhiệt độ). Trên máy ảnh, nhà sản xuất sẽ cung cấp các tuỳ chọn chế độ cân bằng trắng khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh. Với mỗi chế độ sẽ tương ứng với một dải nhiệt độ màu (độ K) khác nhau. Ví dụ Daylight (5200K), Shade (7000k), Cloudy (6000K), Tungsten light (3200K), White fluorescent light (4000K), Flash (6000K), Custom White Balance.

Với hầu hết các máy ảnh bán-chuyên-dụng trên thị trường hiện nay, nhà sản xuất còn bổ sung thêm tính năng tinh chỉnh thông số K cụ thể để nâng cao trải nghiệm người dùng.

L – Lens

Ngôn ngữ nhiếp ảnh của Lens

Lens – Ống kính của máy ảnh. Tùy vào cấu tạo máy ảnh, có những máy ảnh lens được thiết kế cố định ngay trên máy, và có những máy ảnh cho phép lens có thể tháo lắp, thay thế tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Đây cũng là một ngôn ngữ nhiếp ảnh hao ví nhất hiện nay :v. Mỗi ống kính (lens) sẽ mang lại những giá trị khác nhau do đó tuỳ vào mục đích người chụp mà chọn cho mình con lens phù hợp.

>>> Tìm hiểu cách chọn Nhiếp ảnh gia phù hợp cho dự án

Dựa theo công năng, có thể phân loại lens là Lens Zoom (có khả năng thay đổi tiêu cự) và Lens Fix (không có khả năng thay đổi tiêu cự).

M – Manual Mode

Máy ảnh cung cấp nhiều chế độ chụp khác nhau và Manual Mode là chế độ chỉnh tay, nghĩa là bạn sẽ quyết định toàn bộ thông số bức ảnh như thế nào.

N – Noise

Noise hay được biết đến là hiện tượng nhiễu hạt. Hiện tượng này xuất hiện trên ảnh khi ảnh có chất lượng thấp, thường do chụp trong hoàn cảnh thiếu sáng và với độ nhạy sáng ISO quá cao, vượt ngoài khả năng xử lý của công nghệ cảm biến máy ảnh (giải thích cho trường hợp ip11 và ip12 có thể chụp tối rất rõ và nét nhờ vào công nghệ nội suy của AI trong mạch xử lý cảm biến). Trong hậu kỳ, có thể dùng phần mềm để khử nhiễu, nhưng rất dễ làm cho màu sắc mất tự nhiên.

O – Overexposure

Exposure Value là giá trị phơi sáng, Overexposure là phơi sáng quá mức. Tình trạng này xảy ra khi lượng sáng đi vào cảm biến ảnh nhiều hơn giá trị phơi sáng cần thiết, và ảnh bị mất chi tiết ở các vùng dư sáng này. 

P – Pixel

Pixel không chỉ là ngôn ngữ nhiếp ảnh nói riêng mà còn là ngôn ngữ đồ hoạ điện tử nói chung

“Trong tạo ảnh kỹ thuật số, pixel hay điểm ảnh (viết tắt của picture element) là một điểm vật lý trong một hình ảnh raster, hoặc một khối màu rất nhỏ và là đơn vị cơ bản nhất để tạo nên một bức ảnh kỹ thuật số.”

Theo Wikipedia

Để dễ dàng hình dung và quan sát rõ về hình dạng pixel, bạn hãy zoom to bức ảnh đến một mức độ nào đó. Khi zoom to lên, nếu bức ảnh càng hiện ra chi tiết và sắc nét thì chứng tỏ bức ảnh đó đang chứa nhiều pixel.

R – Rule of Thirds

Rule of Thirds hay Quy tắc một phần ba trong việc canh khung chụp hình. Quy tắc này vô cùng đơn giản, đặt chủ thể vào vị trí 1/3 khung hình về phía trái hoặc phải. 

Rule of Thirds đã có từ lâu tuy nhiên vẫn chưa bao giờ lỗi thời và vẫn được sử dụng phổ biến trong nhiếp ảnh và điện ảnh. Chú ý rằng Rule of Thirds cũng chỉ là 1 gợi ý để có bố cục đẹp trong khung ảnh, không phải là 1 quy tắc bắt buộc phải tuân theo khi chụp ảnh.

S – Shutter Speed

Shutter Speed là một trong 3 đại lượng đặc trưng trong ngôn ngữ nhiếp ảnh

Shutter Speed – Tốc độ của màn trập là một trong 3 yếu tố cơ bản ảnh hướng đến chất lượng ảnh, bên cạnh ISO và Khẩu độ.

Khi bạn ấn nút chụp, màn trập sẽ mở ra và cho ánh sáng truyền vào cảm biến ảnh. Sau khoảng thời gian cố định (đã được setting trên máy ảnh), màn trập sẽ đóng lại ngay lập tức, ngăn không cho ánh sáng đi vào cảm biến. Khoảng thời gian giữa 1 lần màn trập “mở-đóng” như vậy được gọi là Tốc độ màn trập.

T – Time Lapse

Time Lapse là kỹ thuật chụp ảnh ghi lại trong một khoảng thời gian, lưu giữ được chuyển động của một cảnh đang trôi qua. Đây là kỹ thuật chụp “tua nhanh” thời gian nhiều lần, từ đó tạo ra hiệu ứng thị giác đặc biệt khi xem.

U – Underexposure

Trái ngược với Overexposure thì Underexposure chỉ hiện tượng ảnh thiếu sáng, lượng ánh sáng đi vào cảm biến chưa đủ.

V – View Finder

View Finder là bộ phận ống ngắm nhỏ gắn trên máy ảnh giúp người chụp nhìn vào đó và thấy được những gì sẽ chụp. Thời gian gần đây, sự ra đời và phố biến của máy ảnh không gương lật Mirrorless (MRL) khiến cho khái niệm view finder trở nên khó định nghĩa hơn.

Với máy ảnh DSLR có kính ngắm quang học tức là bạn nhìn trực tiếp cảnh vật thật qua khung ngắm. Còn các máy ảnh MRL thì là kính ngắm điện tử, kiểu như một màn hình LCD nhỏ bên trong ống ngắm cung cấp dữ liệu hình ảnh trực tiếp từ cảm biến ảnh. Một lưu ý nhỏ đối với máy ảnh MRL, có những máy chỉ có màn hình LCD lớn, không có ống ngắm view finder, và có những máy vừa có màn hình LCD kèm theo ống ngắm view finder điện tử.

W – White Balance

White Balance là Cân bằng trắng. Như đã nói ở phần chữ K – Kelvin thì máy ảnh cung cấp sẵn cho chúng ta các chế độ cân bằng trắng khác nhau và tuỳ môi trường, tuỳ mục đích mà chọn cho mình setting phù hợp.

Tạm kết

Những ngôn ngữ nhiếp ảnh kể trên là mình lấy tiêu biểu và chắc chắn chưa đầy đủ. Tuy nhiên hy vọng bài viết hữu ích và mang lại một lượng kiến thức cần thiết dành cho bạn. Nếu còn thiếu sót từ nào các bạn hãy comment bên dưới cho mọi người biết thêm nhé.

Các kiến thức và thuật ngữ được tham khảo từ “The Thames & Hudson Dictionary of Photography”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *