Làm freelancer không còn lạ lẫm ở Việt Nam, nhất là với giới trẻ. Đây được hiểu là một người làm việc tự do, thời vụ, không cộng tác dài hạn hay trở thành nhân viên chính thức của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào.
Hiện ở Việt Nam freelancer tập trung vào hai nhóm nghề chính: Nhóm thiên về sáng tạo như sản xuất âm nhạc, đạo diễn chương trình, tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia, thiết kế (đồ họa, nội thất, thời trang, …), kiến trúc sư, stylist, viết báo, PR, copywriter…; Nhóm thứ 2 gồm những lĩnh vực đòi hỏi sự đào tạo bài bản chuyên sâu và dày dạn kinh nghiệm, như tư vấn luật, tư vấn thành lập – tái cấu trúc doanh nghiệp, kế toán, bác sỹ, dịch thuật, lập trình, IT…
Khi bạn trở thành 1 Freelancer, bạn sẽ làm một công việc do chính bạn lựa chọn, không ai giao, không ai ép; làm ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào; thỏa sức vẫy vùng khả năng sáng tạo; thời gian đều chủ động.
Nhập gia thì phải tùy tục, nếu bạn đang là 1 Designer và muốn ra làm Freelancer trong ngành thiết kế, bạn cần biết được vài điều căn bản cần lưu ý nếu đặt chân vào thế giới của Freelancer.
1. Thu nhập – Tháng căng bụng, ngày đói meo
Nếu như việc đi làm 8 tiếng 1 ngày, 5 ngày 1 tuần tại công ty, tháng đều đều lĩnh lương, dòng tiền ổn định thì khi làm Freelancer, nguồn thu của bạn khá là BẤT ỔN. Thu nhập của freelancer là một yếu tố dao động tùy thuộc vào từng thời điểm. Bạn có thể kiếm được một khoản rất khá tháng này nhưng lại chỉ có một khoản đủ sống vào tháng sau tùy vào lượng việc bạn nhận được và mức cát-xê từng job. Đó là chưa tính trường hợp khách hàng trả tiền chậm với mấy lý do chị kế toán nghỉ đẻ này nọ, hay đen hơn còn bị bùng tiền thì xác định tháng đó “cạp đất mà ăn”. Do vậy, cách an toàn nhất để tránh quịt tiền là ký hợp đồng, giấy trắng mực đen rõ ràng (tất nhiên với đối tác lâu năm, đáng tin tưởng thì thôi bạn có thể nới lỏng bước này). Trong hợp đồng phải quy định rõ về thời gian Deadline, chất lượng sản phẩm và giá tiền cùng với các hạn thanh toán từng đợt.
Rồi chưa kể bạn sẽ chẳng có những khoản thưởng lễ tết, sinh nhật, các dịp lễ trong năm,v.v. Nói chung các phúc lợi khi bạn làm ở Công ty sẽ không còn áp dụng khi bạn làm Freelancer.
Với dòng tiền không ổn định, bạn sẽ khó tính toán được chi phí sinh hoạt bình thường. Nếu bạn sống với gia đình, hay vợ, người yêu, hay thậm chí là có con, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ nếu muốn làm 1 Freelancer nhé.
2. Làm chủ thời gian
Không còn những buổi sáng bét mắt ra sửa soạn áo quần lên Công ty check-in máy chấm công, hay những buổi chiều lê lết trên con xe giữa đám đông khói bụi. Giờ đây bạn hoàn toàn chủ động được thời gian làm việc. Nếu tối qua bạn có lỡ thức khuya để chơi bời cùng lũ bạn thì sáng hôm sau cũng không cần quá lo lắng vì có thể ngủ nướng thêm bao nhiêu tùy thích, miễn là chưa đến Deadline. Còn nếu Deadline đã gần kề thì sao? Thì thức trắng vài đêm liên tiếp làm thôi.
Sẽ có những trường hợp trong lúc người ta đi làm thì bạn đi du lịch, lúc người ta nghỉ ngơi ngày lễ thì bạn đi làm, và tương tự. Ad cũng có 1 ông anh làm Graphic Designer (lúc đầu không biết là ổng làm Freelancer), gì đâu mà 1 năm 12 tháng thì 10 tháng thấy chụp hình check-in đi du lịch từ trong cho tới ngoài nước. Lúc đó tưởng ông này thất nghiệp hay gặp cú shock gì trong đời nên đi du lịch xã stress, tìm lại chính mình. Cái tới tết vừa rồi gặp ổng hỏi chuyện mới biết là mỗi lần đi du lịch vậy là kết hợp với công việc, đi nơi này nơi kia cho ra ý tưởng (chà ý tưởng này tốn 1 mớ tiền đầu tư quá nhỉ :)) ).
Bạn có thể làm việc bất kì thời gian nào mình thích nhưng cũng có thể bị nhấn chìm trong vòng xoáy thời gian đó nếu ko quản lý được tiến độ công việc của mình.
3. Môi trường làm việc
Không phải 4 bức tường công sở chán ngắt hay những vị đồng nghiệp gắt gỏng ở các phòng ban khác. Bạn sẽ được làm việc tại chính căn phòng của bạn, hay thích hơn có thể ra các quán coffee với decor, ánh sáng, âm nhạc kích thích sáng tạo, đó là chưa kể bạn có thể gặp gỡ các đồng liêu tại các mô hình quán coffee như vậy.
Nếu bạn chỉ thấy thoải mái và làm việc được khi ở một mình thì có lẽ Freelance sẽ phù hợp hơn với bạn. Sẽ chẳng có ông sếp nào có thể chi phối bạn ngoài chính khách hàng của bạn.
4. Kỹ năng – Trách nhiệm
Bước ra làm Freelancer đồng nghĩa bạn sẽ làm việc độc lập, không còn san sẻ công việc cũng như trách nhiệm với đồng nghiệp nữa. Do đó ngoài khả năng thiết kế thượng thừa, bạn còn phải trang bị những kỹ năng khác như thuyết trình, đàm phán hay kỹ năng làm việc nhóm trong trường hợp project bạn làm chung với các Freelancer khác.
Thế nên công việc này không dành cho những người thụ động, hay những bạn chưa đủ trình… hay những người không chịu được khó khăn vốn quen với sự bảo bọc của gia đình thì sẽ rất khó bước vào thế giới Freelancer.
Làm Freelancer phải không cần phải có kinh nghiệm, chỉ cần bạn có đủ kỹ năng công việc đủ sức thực hiện dự án mình nhận là có thể bắt đầu nhận việc freelance., Còn kinh nghiệm freelance thì chỉ cần làm vài dự án thì sẽ tự có thôi ^^.
Nếu bạn chưa tự tin về kỹ năng, tư duy thiết kế, bạn có thể đăng ký học thêm các khóa học thiết kế đồ họa . Sau đó xin học việc, làm CTV, part-time, full time tại công ty để va chạm, tích lũy kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử, cách quản lý thời gian, cách giao tiếp với khách hàng, học từ công ty từ những điều đơn giản nhất (gửi mail, trình bày văn bản, các giấy tờ hành chính…), mở rộng các mối quan hệ. Thêm vào đó bạn nên học thêm cả ngoại ngữ nữa nhé, vì các công ty nước ngoài có xu hướng thuê freelancer nhiều lắm.
=>>> Xem thêm bài viết “4 cách để Graphic Design nâng cao tay nghề”
Tạm kết
Làm Freelancer đang là xu hướng theo đuổi của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn Designer bởi tính sáng tạo trong công việc. Giờ đây trong cộng đồng các Freelancer đang có sự cạnh tranh gay gắt, do đó bạn cần trang bị cho bản thân những kỹ năng cần có trong công việc cũng như cân nhắc xem liệu mình có thực sự hợp với môi trường Freelancer không nhé.
Nếu bạn đang muốn trở thành làm Freelancer trong ngành Thiết kế đồ họa & Multimedia, hãy tham khảo các lộ trình học dưới đây nhé: https://keyframe.vn/cth.html