50 sắc thái của màu sắc trong thiết kế

Màu sắc trong thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc, thông điệp của người thiết kế đến người xem. Màu sắc có tính chủ quan. Ý nghĩa của màu sắc có thể thay đổi tùy thuộc vào văn hóa mỗi quốc gia, vào hoàn cảnh, vào mỗi cá thể người xem. Nhưng với góc nhìn của một Designer, một Marketer, bạn cần đọc được ngôn ngữ chung của màu sắc thông qua bài viết sau đây.

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, 1 màu sắc cụ thể nào đó sẽ tượng trưng cho 1 điều nhất định bất biến. Nhưng không, màu sắc là một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ. Tại một thời gian, địa điểm cụ thể, màu sắc – đặc biệt là màu sắc trong thiết kế – mang những sắc tố biểu thị khác nhau.

Ví dụ nhé, một cô gái chọn mặc chiếc váy đỏ vào ngày cuối tuần. Sau đây là những lý do mà cô gái đó chọn chiếc váy đó:

  • Màu đỏ là màu yêu thích của cô ấy
  • Đôi giày cao gót mới mua của cô ấy có màu đen, và nó sẽ thích hợp để phối cùng chiếc váy đỏ
  • Trong tủ đồ chẳng còn chiếc váy nào đủ gây ấn tượng cho cuộc hẹn hôm đấy cả
  • Cô ấy đang bực mình điều gì đó chẳng hạn
  • ….

Vậy đó,  màu sắc có nhiều tầng ý nghĩa hơn là bạn tưởng. Cùng tìm hiểu sơ qua vài màu sắc cơ bản xem chúng biểu hiện cho điều gì nhé.

Dưới đây là ý nghĩa cơ bản của một số màu sắc trong thiết kế

1. Màu đỏ (RED)

Màu đỏ mang lại cho ta cảm giác ấm áp và tích cực. Đây cũng là màu sắc có sức thu hút ánh nhìn và có sức mạnh kêu gọi thực hiện một hành động nào đó. Hãy để ý các trang Landing Page, các nút (Button) “MUA HÀNG” hoặc “CLICK NGAY” thường có màu đỏ. 

Màu đỏ còn biểu hiện cho sự đam mê, năng lượng dồi dào, sức mạnh (ví dụ như nước tăng lực Sting) Ngoài ra các thương hiệu về đồ ăn cũng rất hay sử dụng màu đỏ để kích thích sự thèm ăn (KFC, Lotteria, McDonald,..).

Màu đỏ cũng được dùng để biểu thị cho tình yêu. Nhưng thực sự thì màu đỏ có hơi hướng liên quan tới ham muốn, tình dục nhiều hơn. Chính vì vậy mà màu đỏ cũng mang sắc thái quyến rũ, khiêu gợi, được sử dụng nhiều cho màu son, váy đầm và đặc biệt là đồ lót.

Ngoài ra màu đỏ còn mang biểu thị cho sự nguy hiểm, cảnh báo (biển báo cấm), sự tức giận, nóng nảy. 

Theo văn hóa phương Đông, màu đỏ còn biểu thị cho sự may mắn và là màu sắc truyền thống cho đám cưới. Trong các dịp Tết, chúng ta trang trí nhà cửa, chuẩn bị cúng kiếng thường sẽ gắn các vật màu đỏ xung quanh và gửi cho nhau những phong bao lì xì đỏ thẩm thay cho lời chúc may mắn đến cho nhau. Dù thời thế đang thay đổi, cô dâu thường mặc váy cưới màu trắng, nhưng theo truyền thống, màu đỏ là màu sắc của đám cưới. Trong các đám cưới ở Ấn Độ, màu đỏ thể hiện sự thuần khiết.

2. Màu hồng (PINK)

Màu hồng mang đậm sự nữ tính, dịu dàng, chính vì lẽ đó mà các doanh nghiệp liên quan đến thị trường mỹ phẩm, thời trang, làm đẹp sử dụng màu hồng rất nhiều. Ngoài ra khi kết hợp với màu tối sẽ mang lại cảm giác tinh tế và mạnh mẽ hơn.

Màu hồng thể hiện cho tình yêu, sự yêu thương, sự ấm áp sẻ chia, lòng trắc ẩn. Nếu có ai kêu bạn thiết kế cho một chương trình thiện nguyện, từ thiện thì đừng quên cho màu hồng vào nhé. 

Trái ngược với màu đỏ mang tới sự mạnh mẽ, bực dọc thì màu hồng lại có xu hướng xoa dịu, trấn an tâm trạng của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn tiếp xúc nhiều với màu hồng sẽ làm dây thần kinh của bạn luôn trong sự yên bình, làm yếu đuối tâm hồn và thể chất của người đó. “Thích màu hồng không hẳn là bánh bèo. Nhưng bánh bèo chắc chắn thích màu hồng” :v.

Fun fact: Trước đây ở các nước phương Tây đi đầu là Thụy Sỹ, một số nhà tù được decor màu hồng để làm tù nhân dịu đi bản tính hung hăng. Nhưng về lâu về dài thì không thấy hiệu quả đâu, ngược lại còn làm các tù nhân thêm bực bội, mệt mỏi cứ như đó là một hình phạt đối với họ vậy. Có thể là do nhà tù có đến 90% tù nhân là nam gới.

3. Màu vàng (YELLOW)

Màu vàng của nắng, thế nên mang lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc. Màu vàng có độ sáng tươi tạo cảm giác vui vẻ, năng động và lạc quan. 

Sẽ rất tuyệt nếu bạn sử dụng màu sắc trong thiết kế là màu vàng cho các sản phẩm có đối tượng là trẻ em bởi vì về mặt sinh lý (Physiologically) màu vàng có tác dụng kích thích tâm trí và hoạt động tinh thần, tăng cường quá trình phân tích và suy luận giải quyết vấn đề. Các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thường trang trí màu vàng để thúc đẩy sự sáng tạo và hứng thú học tập.

Tuy nhiên quá nhiều màu vàng sẽ làm chúng ta cảm thấy bực bội, lo lắng, gây ra sự căng thẳng, bất an, mang lại cảm giác nghi ngờ và khiến các quyết định, phán xét trở nên thận trọng hơn. Do vậy các công ty về bảo hiểm chả bao giờ sử dụng màu vàng cả là vậy.

Như bạn đã biết thì màu đỏ tạo cho ta cảm giác thèm ăn. Thế bạn có để ý tại sao các nhãn hàng thức ăn nhanh thường kết hợp chúng với màu vàng không? Vì không muốn bạn ngồi lâu quá đấy, ăn xong thì nhanh chóng đi về đi nhé. Hầu hết chúng ta không muốn nán lại quá lâu trong không gian có nhiều màu vàng. Dĩ nhiên màu vàng vẫn là một trong các màu nổi bật dùng để thu hút ánh nhìn nên hãy tận dụng nó với liều lượng hợp lý nhé.

À quên, trái ngược với màu hồng yêu thương thì màu vàng cũng tượng trưng cho sự phản bội, vô cảm đấy nhé.

4. Màu xanh dương (BLUE)

Màu xanh dương rất được ưa chuộng trong các loại thiết kế, bất kể bạn thuộc ngành nghề gì. Xanh dương thể hiện sự tin tưởng, trung thực và lòng tin. Nếu bạn là doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực như kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính thì chắc chắn rằng độ tin cậy là cực kỳ quan trọng. Bạn có thấy ngoài xanh lá thì xanh dương gần như là màu chủ đạo cho các ngân hàng như BIDV, ACB, Sacombank, Ocean Bank, và nhiều ngân hàng khác… Ngoài ra một số trường học, trung tâm đào tạo cũng sử dụng màu xanh làm màu sắc trong thiết kế chính như trung tâm anh ngữ iLa, VUS, Yola, Apollo English, Keyframe Training,…

Màu xanh dương đặc biệt là xanh ngọc lam được khuyến khích dùng cho các sản phẩm liên đến nước, bầu trời, không khí như nước khoáng, nước tẩy rửa, các hãng hàng không, du lịch, thư giãn hay các hãng máy lạnh điều hòa…

Về mặt sinh lý, màu xanh dương có tác dụng làm dịu lại, giảm bớt sự căng thẳng và sợ hãi. Trái ngược với màu đỏ mang lại sự thèm ăn, kích thích vị giác thì màu xanh dương sẽ làm điều ngược lại, đặc biệt là xanh dương nhạt.

Màu xanh dương còn làm ta liên tưởng tới tuổi trẻ, thanh xuân, là dấu hiệu của sự trưởng thành. Nhưng nếu nhiều màu xanh quá sẽ làm trông cứng nhắc và nhàm chán.

5. Màu xanh lá (GREEN)

“Ta chỉ là chiếc lá – Việc của mình là xanh”

Màu xanh là màu đặc trưng của chiếc lá, là biểu hiện cho sức sống, sự tăng trưởng, gắn liền với sự sống và sinh sôi nảy nở. Xét về mặt tâm lý (Psychologically), màu xanh lá liên quan tới sự cân bằng về tâm trí., cơ thể và mang lại sự tích cực về mặt cảm xúc. Màu xanh tạo cảm giác yêu thương và nuôi dưỡng tâm hồn, là một màu biểu trưng cho sự hòa bình, từ thiện.

Các sắc thái khác nhau của xanh lá cũng mang lại những ý nghĩa khác biệt nhất định. Nếu như xanh lá đậm sẽ liên quan đến tiền bạc, sự giàu có uy quyền thì xanh lá nhạt lại cho chúng ta thấy sự tươi mới và tăng trưởng tích cực. Ở phương Tây, xanh lá được coi là màu của đơn vị tiền tệ nói chung nhé. 

Được kết hợp bởi màu vàng và màu xanh dương thế nên màu xanh lá chứa đựng đồng thời bởi sự tích cực, lạc quan về mặt tinh thần của màu vàng và tĩnh lặng, thấu hiểu của xanh dương.

Nếu bạn đang kinh doanh dịch vụ về sức khỏe, y tế, hay các sản phẩm tự nhiên an toàn thì xanh lá là màu lý tưởng dành cho bạn. Ngoài ra nó cũng có lợi khi quảng bá các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Màu xanh lá gần như 100% là một màu tích cực nhưng nếu dùng quá nhiều sẽ gây cảm giác ghen tỵ. ích kỷ, tham lam.

6. Màu cam (ORANGE)

Màu cam có một chút gì đó của vàng, một chút gì đó của đỏ nên vừa tỏa ra sự ấm áp, hạnh phúc nhưng cũng đầy năng lượng và sự kích thích. Tâm lý màu sắc của màu cam là lạc quan và giúp nâng cao tinh thần. Do vậy khi chúng ta cảm thấy buồn bã tuyệt vọng vì 1 lý do nào đó, hãy tìm quanh mình 1 món đồ có màu cam ngay nhé bởi có lẽ nó sẽ giúp bạn khá hơn đấy.

Màu cam còn đặc trưng cho giao tiếp, có tác dụng kích thích trò chuyện. Nếu bạn search google hình ảnh các từ khóa như “Dialogue” hay “Communication”, bạn sẽ thấy màu cam được sử dụng rất nhiều để thiết kế mô tả.

Cam cũng giống đỏ, mang lại sự thèm ăn. Nhiều nhà hàng sang trọng không sử dụng màu đỏ mà thay vào đó là màu cam vàng hoặc màu pastel của màu cam hoặc màu cam của đất nung để trang trí vì chúng trông rất tinh tế. Vừa kích thích sự thèm ăn, vừa có tác dụng tăng cường giao tiếp, thật sự màu cam có giá trị lớn đối với các nhà hàng, quán cafe sang trọng, khách sạn. Tất nhiên nếu bạn đang muốn giảm cân thì nên tránh xa màu cam ra nhé. 

Nếu bạn làm trong ngành du lịch thì cũng đừng bỏ qua màu sắc này nhé bởi nó mang lại sự thích thú phiêu lưu, tò mò, vui vẻ, hòa đồng và gần gũi. Các website, app của bạn cũng nên đưa màu cam vào.

7. Màu tím (PURPLE)

Purple là màu tím, nhưng Violet cũng là màu tím và đều được tạo ra từ màu đỏ và xanh dương. Sự khác biệt cơ bản giữa chúng là Purple thì nhiều Đỏ hơn, còn Violet thì nhiều Xanh hơn.

“Yêu màu tím, sống nội tâm, hay khóc thầm”.

Câu này không sai chút nào đâu. Màu tím là màu sắc của nội tâm, của trí tưởng tượng và tâm linh.

Màu tím cho thấy sự giàu có, xa hoa. Nó thường biểu thị cho một sản phẩm chất lượng và đắt giá chẳng hạn như vỏ kẹo socola, màu của chai nước hoa hay hộp đựng mỹ phẩm. Đừng bỏ qua màu tím để quảng bá cho sản phẩm dịch vụ cao cấp của bạn. Đặc biệt đối với độ tuổi 18 – 25, chúng ta sẽ thấy màu tím thật gợi cảm và quyền lực. màu tím tương đối  hòa hợp cho phụ nữ và trẻ hơn so với nam giới.

Màu tím cũng là màu sắc của tình yêu, của lòng trắc ẩn. Nhưng hãy cẩn thận liều lượng sử dụng vì nếu quá nhiều sắc thái tím sẽ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm và tình trạng chán nản.

8. Màu trắng (WHITE)

Màu trắng là màu cơ bản, tinh khiết nhất và hoàn hảo nhất. Mặc dù không phải màu sắc thu hút giác quan nhưng lại là màu mở đường, làm nổi bật các màu sắc khác. Do là màu trung tính, nên nếu được hỏi MÀU SẮC TRONG THIẾT KẾ được sử dụng nhiều nhất thì chắc hẳn đó là màu trắng.

Màu trắng rất hữu ích trong việc kinh doanh lấy sự sạch sẽ làm đầu như nha khoa, trung tâm y tế,.. Tuy nhiên nếu chỉ màu trắng không sẽ làm khuếch đại sự cô đơn, lạnh lẽo do đó hãy cân nhắc sử dụng chung với màu xanh hoặc hồng để tạo bầu không khí quan tâm chu đáo.

Màu trắng có lẽ là màu tốt nhất để làm nền cho các trang web. Nó cho phép tất cả các màu khác phản chiếu rõ ràng trên đó và giúp người truy cập dễ dàng đọc được thông tin.

Màu trắng mang lại cảm giác bình yên và bình tĩnh, thoải mái và hy vọng, giúp làm giảm bớt cảm xúc khó chịu, làm sạch và thanh lọc những suy nghĩ, cảm xúc của bạn và cuối cùng là tinh thần của bạn, làm mới và tăng cường toàn bộ hệ thống năng lượng của bạn.

Mặc dù có rất ít ý nghĩa tiêu cực đối với màu trắng, đặc biệt là trong văn hóa phương Tây tuy nhiên như đã nói ở trên, quá nhiều màu trắng tạo ra sự cô lập và trống rỗng.

Trong các nền văn hóa khác, nó liên quan đến cái chết và tang tóc (chiếc khăn tang). Trong những nền văn hóa này, cái chết thường có nghĩa là sự kết thúc của một cuộc sống và bắt đầu một cuộc sống khác, tiến tới một cuộc sống mới, vì vậy ý ​​nghĩa tâm lý màu sắc biểu thị cho sự khởi đầu mới.

9. Màu đen (BLACK)

Màu đen là màu trung tính và dễ sử dụng. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên 16 – 25, họ sẽ thấy màu đen rất có sức hút bởi sự huyền bí và quyền lực mà nó mang lại. Đồ lót, đồ ngủ màu đen làm tôn lên sự quyến rũ của nữ giới và kích thích tò mò của nam giới hơn. 

Những người trưởng thành và giàu tham vọng cũng rất ưa chuộng màu đen bởi nó tỏa ra sự nghiêm nghị và trang trọng. Nếu bạn để ý ở các tang lễ phương tây, người nhà và cả khách mời đều mặc những trang phục màu đen, tương tự màu trắng, màu đen cũng mang ý của sự kết thúc. 

Khi sản phẩm có bao bì màu đen, chúng trở nên đắt giá và có vẻ “nặng đô”. Nếu doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm đắt tiền, sang trọng như xe hơi, đồng hồ, áo vest thì màu đen rất lợi thế và dễ dùng. Như socola vốn đã có màu đen, lại có bao bì thiết kế bởi màu đen, bạc và vàng thì làm cho thanh socola đó càng thêm đắt đỏ. 

Tuy nhiên quá nhiều màu đen sẽ làm bạn cảm thấy đáng sợ và cảnh giác. Hãy tưởng tượng bạn bước vào 1 quán cafe có decor đen chủ đạo, nhân viên thì dresscode cũng đều là màu đen, liệu bạn có ngồi yên thưởng thức nỗi 1 ly cafe hay không?

KẾT LUẬN

Màu sắc có tác động to lớn vào tiềm thức của chúng ta. Do đó một sự hiểu biết nhất định về ý nghĩa màu sắc, đặc biệt là màu sắc trong thiết kế, trong kinh doanh là điều bạn cần học hỏi. Đừng bao giờ sử dụng màu sắc lung tung nếu bạn không muốn khách hàng hiểu sai về giá trị sản phẩm, dịch vụ của bạn. Như Ad đã từng đề cập ở bài viết trước đây (link), Không chỉ Designer mà Marketer cũng cần trang bị những kiến thức, hiểu biết về thiết kế và nguyên lý màu sắc trong thiết kế là thứ bạn cần nắm bắt thật tốt nếu không muốn branding sai cho thương hiệu của mình.

3 thoughts on “50 sắc thái của màu sắc trong thiết kế”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *