Có lẽ cái tên Final Cut Pro X – phần mềm dựng phim chuyên nghiệp trên nền tảng Macintosh của Apple đã dần bị lãng quên khi Adobe Premiere Pro đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới từ dân chuyên đến dân mới tập tãnh vào nghề. Nhưng gã khổng lồ Apple có thực sự bỏ rơi đứa con này?
Sự thụt lùi của phần mềm dựng phim chuyên nghiệp Final Cut
Trở lại những năm 2010, Final Cut thực sự là một lựa chọn hàng đầu đối với các Editor – biên tập viên video. Thị phần của nó đã từng bỏ xa Adobe Premiere hay Avid Media Composer. Tuy nhiên, Apple đã tự bắn vào chân mình khi đã update và thay thế bằng một phiên bản có tên là Final Cut Pro X (bỏ qua phiên bản 8, 9 trong chuỗi tên gọi) và cũng làm mất đi một số tính năng chuyên nghiệp. Tất nhiên là nó sẽ trở nên thân thiện, là một công cụ lý tưởng cho việc biên tập quy mô nhỏ nhưng vẫn nhiều tiện ích. Nhưng trong bản ra mắt năm 2011, Final Cut Pro X không có hỗ trợ Multicam, EDL và XML, không hỗ trợ các file dự án cũ, không hỗ trợ xuất và ghi băng, không có cửa sổ làm việc thứ 2, và còn nhiều thứ nữa … Điều này đã vô tình làm khó người dùng, các Studio khi họ phải lựa chọn giữa việc sử dụng thứ phần mềm nửa nạc nửa mỡ chưa hoàn thiện của Apple, hoặc đầu tư, thay đổi lại toàn bộ phần mềm, công nghệ khác để làm việc.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Nhận thấy sự không hài lòng của người dùng với Final Cut, các phần mềm dựng phim chuyên nghiệp khác đã nắm bắt cơ hội và phát triển mình hơn để giành lại thị phần. Avid, Adobe và Sony là những cái tên trồi lên như 1 thế lực của ngành dựng phim. Một phần nguyên nhân dẫn đến việc đối thủ chính của Final Cut là Adobe Premiere phổ biến được nhiều người dùng là do phần mềm đều hoạt động tốt trên cả hệ điều hành Windows và Mac OS, còn tất nhiên Final Cut theo truyền thống độc quyền từ xưa của nhà Táo nên chỉ chạy trên hệ điều hành Mac OS mà thôi.
Tính phổ biến cũng mang lại cho Adobe những lợi thế vô hình mà hãng không trực tiếp tạo ra đó là nguồn tài nguyên kiến thức, các plugin hỗ trợ, các group, diễn dàn cộng đồng, những tutorial trên youtube… vân vân mây mây các tiện ích do người dùng tạo ra. Phần mềm dựng phim Adobe Premiere cũng xuất hiện phổ biến ở các tin tuyển dụng trong lĩnh vực Điện ảnh – Truyền hình, Truyền thông – Marketing – Quảng cáo nên nếu bạn thành thạo Premiere, cơ hội việc làm của bạn sẽ cao hơn.
Vậy Final Cut Pro X có thực sự đã hết cơ hội trở lại?
Final Cut Pro X – Sân chơi của những nhà làm phim chuyên nghiệp thực sự!
Dẫu có những bước đi khó khăn khi mới ra mắt, nhưng Apple đã không để đánh mất vị thế vốn có của phần mềm dựng phim. Trong suốt 8 năm qua với nền tảng vốn có trong lĩnh vực đồ họa mà Apple đang thống lĩnh, phiên bản Final Cut Pro X 10.4 mới nhất đã nhanh chóng bứt Top nhờ những tính năng ưu việt mà Apple đang sở hữu. Không hướng vào số đông, Final Cut Pro X tiến thẳng tới thị phần khách hàng cao cấp, thay vì xã hội hóa trên nền tảng Windows như các đối thủ khác, Final Cut Pro vẫn trung thành với Mac OS, giúp tối ưu hiệu năng giữa phần cứng và phần mềm trong hệ điều hành, giảm thiểu lỗi hệ thống và tăng cường sự ổn định của hệ thống khi hoạt động với hiệu suất cao. Chính nhờ vào suy nghĩ và cách làm này, Apple đã khẳng định được đẳng cấp và thị phần riêng của mình.
Những cập nhật tính năng mới ở các phiên bản gần đây của Final Cut Pro X đã mang lại niềm tin cho những tín đồ Apple cũng như các biên tập viên đã tin tưởng sử dụng trong mấy năm qua. Vốn đã mang những nét đặc biệt riêng mình như thanh thời gian Timeline trong việc quản lý video, có thể tùy chỉnh âm thanh ngay trong Timeline khác rất nhiều nếu phải so với các ứng dụng trong cùng lĩnh vực, thậm chí là cả Adobe Premiere Pro. Ngoài ra có thể kể đến các tính năng được cập nhật gần đây như:
- Thêm vào các hiệu ứng đặc sắc, xoá khung camera, cân bằng đường chân trời…
- Hỗ trợ chỉnh sửa video 360 độ.
- Phân loại màu nâng cao, hỗ trợ HDR và ProRes RAW.
- Cập nhật các công cụ điều chỉnh màu nâng cao.
- Khả năng chỉnh HDR, FNCPX mới hỗ trợ định dạng Rec.
- Hỗ trợ tốt nhất trên iMac Pro mới.
- Cửa sổ mã hóa thời gian hiển thị chi tiết.
- Curve: tính năng này cho phép chỉnh các dữ liệu màu, kiểm soát nhiều điểm trên đường biểu đồ.
Với việc phải đầu tư máy móc, bản quyền để sử dụng được phần mềm dựng phim chuyên nghiệp Final Cut Pro X thì tất nhiên ngoài việc bạn là tín đồ của Táo, bạn còn đam mê và làm việc trong môi trường làm phim chuyên nghiệp.
Ở Việt Nam, xu hướng xài “phần mềm dựng phim Crack” đã thành thói quen với người dân xứ mình. Rất hiếm người chịu bỏ tiền (hoặc không đủ điều kiện) để mua bản quyền phần mềm để danh chính ngôn thuận đường đường làm việc. Đối với các cá nhân thì không sao, rất hiếm khi bị sờ gáy, nhưng nếu bạn làm trong Studio, hãng phim chuyên nghiệp với những job trong và ngoài nước, thì bạn hoặc Công ty bạn nên mua bản quyền đi, vì đã có những trường hợp bị kiện vì vi phạm bản quyền rồi đó. Ad không nói phéc đâu, bạn cứ search google là sẽ ra ngay kết quả. Thế nên, hãy chuyên nghiệp lên bạn nhé.
Tạm kết, trong vô số sự lựa chọn về phần mềm dựng phim chuyên nghiệp và xu hướng hội nhập, Final Cut Pro X đã dần lấy lại vị trí của mình và trở nên quen dần ở các hãng làm phim, hậu kỳ chuyên nghiệp. “Đắt xắt ra miếng”, giá trị trải nghiệm mà Final Cut Pro X mang lại sẽ không làm bạn thất vọng.