Tính khả dụng (Usability) là một nhân tố quan trọng trong thiết kế UX/UI, đặc biệt là trong các sản phẩm công nghệ số như Website, Mobile App. Nó thể hiện ở mức độ đáp ứng nhu cầu người dùng, giúp họ thực hiện chính xác (effectiveness), hiệu quả (efficiency) các mục tiêu đã đề ra, kèm theo sự hài lòng (satisfaction) trong từng bối cảnh sử dụng cụ thể.
Mời bạn cùng tìm hiểu 5 yếu tố làm nên tính khả dụng của sản phẩm trong thiết kế Product qua bài viết trong các hình minh họa bên dưới.
Dễ thấy trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu người dùng không cảm thấy tích cực khi trải nghiệm sản phẩm của bạn, thay vào đó là sự rối rắm và phức tạp thì hầu hết họ đều sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế từ đối thủ cạnh tranh. Vậy nên Tính khả dụng (Usability) là điều thiết yếu để giữ chân và biến người dùng thường thành người dùng thân thiết trong quá trình phát triển sản phẩm.
1. Tính chính xác (Effectiveness)
Tính chính xác là khả năng giúp người dùng thực hiện chuẩn xác (accuracy) các tác vụ, bằng cách giảm thiểu tối đa các sai sót không cần thiết.
Ví dụ khi điền form thông tin thẻ khi thanh toán, chỉ nên cho phép người dùng nhập vào “chữ số” (number), như thế sẽ hạn chế được các sai sót khi nhập liệu. Hay như việc Youtube cũng từng có thời gian khiến nhiều user hiểu nhầm nút dislike và nút download.
2. Tính hiệu quả (Efficiency)
Tính hiệu quả là khả năng giúp người dùng thực hiện nhanh chóng các tác vụ. Trong hầu hết trường hợp UX Designer sẽ cố gắng giúp người dùng giảm xuống tối thiểu các thao tác (click, chạm, lướt ngang, scroll…) để hoàn thành tác vụ mong muốn.
Ví dụ như trong phần mềm photoshop cung cấp các phím tắt như “Ctrl S”, “Ctrl shift S” thay vì phải click chuột vào File>Save hay File>Save As.
3. Tính tương tác (Engagement)
Tính tương tác là khả năng kích thích người dùng dễ dàng đưa ra các thao tác qua lại đối với sản phẩm. Tính tương tác nói lên mức độ thấu hiểu người dùng của sản phẩm cũng như mức độ sự yêu thích từ người dùng dành cho sản phẩm của bạn.
Ví dụ: Shopee sẽ đính kèm các tag, mã giảm giá, hình ảnh sản phẩm bắt mắt, khi đưa con trỏ đến sản phẩm thì giao diện cũng chú trọng làm nổi bật sản phẩm đó. Mục đích để kích thích người dùng bấm vào xem chi tiết sản phẩm. Hay đơn giản hơn là khi đọc tin tức thì các phần mềm sẽ cố gắng đề xuất các tin tức liên quan để tăng khả năng tương tác của người dùng.
4. Tính chấp nhận lỗi (Error Tolerance)
Một sản phẩm dù đơn giản đến đâu thì cũng khó mà tránh được sai sót. Tuy nhiên việc chúng ta cung cấp các giải pháp thay thế để khắc phục các sai sót đó sẽ mang lại trải nghiệm tích cực hơn cho người dùng. Công việc của UIUX Designer là giả định được các lỗi trong sản phẩm hay các hành vi không chủ đích từ người dùng và giúp họ khắc phục.
Ví dụ:
- Cung cấp chức năng undo, reset all setting
- Cung cấp link dự phòng để thay thế khi link chính có sự cố (web phim)
5. Tính dễ học (Ease of Learning)
Yếu tố này thực sự cần để ý khi bạn ra mắt một sản phẩm số mới, hay một tính năng mới vì người dùng trước đó đang quen với “vùng an toàn” cũ, rất có thể sẽ cảm thấy khó chịu, bạn cần giúp họ làm quen với các thay đổi mới thật nhanh chóng và dễ dàng.
Cách tốt nhất để tránh làm người dùng bỡ ngỡ là bổ sung các hướng dẫn (tutorial), gợi ý (hint). Và cố gắng tìm cách thiết kế tương xứng với những hiểu biết, hay còn được gọi là ‘khuôn mẫu tư duy’ (mental model) trước đó của họ.
Ví dụ: Nút bấm trên website hay app sẽ giống với nút bấm ngoài đời thực.
Bài viết được chia sẻ bởi Anh Đinh Tiến Thành – UI/UX Lecturer tại #Keyframe.
Nếu như bạn đang thiếu hụt các kiến thức về quy trình và tư duy thiết kế UX/UI, thì các khóa học UX/UI tại Keyframe theo hình thức REMOTE TEACHING là một giải pháp dành cho bạn.
Tham khảo ngay khóa học Foundations of UX/UI Design: https://keyframe.vn/khoa-hoc-offline/khoa-hoc-foundations-of-ux-ui-design-79.html
Hoặc khóa học học UXUI Web/ Mobile App Product Design: https://keyframe.vn/khoa-hoc-offline/khoa-hoc-thiet-ke-uxui-web-mobile-app-product-design-82.html